Cần xem cà phê là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp
« Cà phê Việt Nam: Những tín hiệu vui và bài học năm 2010

Cần xem cà phê là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp

Đó là nhận định của ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cũng như nhiều ý kiến của đại biểu tại buổi họp báo sáng nay (6/01) do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ 3 – Năm 2011, sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 10 – 13/03/2011, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

coffee beans

Kể từ năm nay, “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận mang tầm vóc một lễ hội cấp quốc gia, tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Tiếp tục hình ảnh đại sứ ngoại giao văn hóa của Việt Nam, cà phê lần đầu tiên chính thức trở thành hình ảnh đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới, cũng như khẳng định cà phê là nhân tố mới cho mô hình phát triển bền vững trước những nguy cơ khủng hoảng toàn cầu mà Việt Nam đang tiên phong xây dựng. Cũng trong dịp này, tỉnh Đắk Lắk sẽ chính thức đưa vào hoạt động mô hình giao dịch cà phê kỳ hạn tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu được trên 1 triệu tấn cà phê, đạt 1,7 tỷ đô la Mỹ, trong đó Đắk Lắk chiếm 600 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, khi cà phê dớt giá thì việc thu mua tạm trữ chỉ được áp dụng khi giá đã xuống quá thấp, năm 2009 thu mua tạm trữ là 200 ngàn tấn, năm 2010 là 300 ngàn tấn. Đã đến lúc cần xem cà phê như một trong các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như: lúa, cá da trơn, tôm… và hướng tới một nền sản xuất cà phê bền vững. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 180 ngàn héc ta trồng cà phê, trong đó đa số diện tích là của các hộ dân. Ông Y DHăm ÊNuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ quy hoạch khoảng 140 ngàn héc ta sản xuất theo hướng bên vững.

Được biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 này sẽ được cà phê hóa, tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc và hương vị với nhiều chương trình hoạt động lần đầu tiên và duy nhất diễn ra tại Lễ hội: Hội thảo cà phê quốc tế, Duyên dáng Việt Nam 24. Đồng thời, cùng các đoàn nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên, Lễ hội dự kiến có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ những quốc gia trồng cà phê trên thế giới, giới thiệu những nét đẹp văn hóa cà phê đặc trưng của mỗi dân tộc, quốc gia. Ông Lữ Ngọc Cư, chủ tịch UBND tỉnh ĐắkLắk cho biết: “Sự khác biệt là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong bối cảnh hiện nay. Dựa trên thế mạnh của vùng đất Tây Nguyên là cà phê cùng những giá trị của cà phê đã được chính phủ Việt Nam và thế giới công nhận, chúng tôi quyết định lấy cà phê là nhân tố chủ đạo cho sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh ĐắkLắk. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một hoạt động quan trọng để Tỉnh thực hiện mục tiêu đó qua con đường giao lưu văn hóa, liên kết thương mại, trong đó, sự khác biệt, độc đáo của Lễ hội là yếu tố quyết định của Lễ hội”. Tính quần chúng hóa là điểm khác biệt nổi bật của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm nay với những sân khấu mở, nhiều không gian sinh hoạt nghệ thuật, triển lãm giao lưu,… được diễn ra nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong suốt thời gian Lễ hội. Đây sẽ là sân chơi của quần chúng và chính họ là nhân tố quan trọng đem lại thành công cho chương trình Lễ hội.

Cũng tại Lễ hội, lần đầu tiên, một Hội thảo cà phê quốc tế được tổ chức với chủ đề “Phát triển ngành cà phê bền vững,”, Hội thảo có sự tham gia của các khách mời quốc tế từ các quốc gia trồng cà phê như: Braxin, Indonesia, Colombia, Ethiopia ở các cấp độ Thứ trưởng về ngành nông nghiệp, Hiệp hội cà phê, các công ty, doanh nghiệp trồng, chế biến, sản xuất, công nghệ… liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về cà phê.

Ngoài ra, chương trình Duyên dáng Việt Nam 24 lần đầu tiên trở thành một phần hoạt động của Lễ hội và tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột với chủ đề “Huyền thoại cà phê”. Hơn nữa, cũng trong chương trình Lễ Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 – Năm 2011, Bảo tàng cà phê thế giới lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với hơn 10.000 hiện vật cùng các hiện vật bảo tàng văn hóa Tây Nguyên sẽ được chính thức khai trương tại Làng cà phê Trung Nguyên và trưng bày, triển lãm tại bảo tàng tỉnh Đắk Lắk nhân dịp bảo tàng khánh thành chào mừng Lễ hội.

Nguồn: Kinh Tế Nông Thôn