Tây Nguyên, lễ hội – câu hỏi mùa xuân…

Người Tây Nguyên, ngay cả ở những người hiện đại nhất, đâu đó từ sâu thẳm trong máu, luôn âm ỉ một nỗi nhớ rừng, bất tận và bất trị.

rung-1

Tây Nguyên, cũng như thường gặp ở nhiều vùng miền núi rất phong phú các lễ hội, núi non càng xa, càng sâu thì lễ hội càng giữ được nhiều, còn nguyên chất. Tôi tin vậy, rất lắm khi có thể đọc được những điều hóa ra không nhỏ cho những suy ngẫm lâu dài và rất lạ, theo một nghĩa nào đó, thậm chí cho cái ta gọi là “hiện đại” bây giờ, đúng hơn là cho những gì con người hiện đại đang muốn nghĩ lại về cách sống của mình sau bao nhiêu trăm năm đua chen để thành hiện đại. Còn những người vẫn đang đua chen để được trở nên hiện đại cho bằng thiên hạ thì có thể bình tĩnh nghĩ lại, điều chỉnh đôi chút chăng trong cuộc chen chúc hối hả hằng ngày. Chen như trong các buổi kẹt xe ngạt thở Sài Gòn hay Hà Nội, mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều vậy…

Ở trên ấy, may quá, chưa có kẹt xe, còn có thể tự do thở, thanh thản sống và suy nghĩ.

Có thể nghe rõ tiếng nói của người Tây Nguyên chính là qua các lễ hội.

Thương rừng sâu thẳm trong máu

Mùa lễ hội cũng là mùa xuân của Tây Nguyên, đúng vào lúc vụ canh tác năm trước đã xong, Mẹ Lúa đã được rước về kho, tiếng sấm đầu mùa còn chưa nghe âm âm vang vọng ở chân trời xa, vụ mùa sau chưa đến. Người Kinh gọi ấy là lúc nông nhàn, người Xơ Đăng trên sườn núi Ngok Linh cao nhất Tây Nguyên thì gọi là mùa Ninh Nông.

Mùa Ninh Nông người ta trở lại với rừng. Tôi đã được ở Tây Nguyên lâu, có một nhận xét: Người Tây Nguyên, ngay cả ở những người hiện đại nhất, đâu đó từ sâu thẳm trong máu luôn âm ỉ một nỗi nhớ rừng, bất tận và bất trị.

Quanh núi Ngọc Linh xưa có một phong tục lạ gọi là tục Ninh Nông. Đến một ngày nào đó giữa mùa này, mọi người trong làng trút bỏ tất cả những gì hàng ngàn năm tiến hóa của giống loài đã đem lại cho con người, tất cả ngay đến quần áo, nguyên sơ như buổi ban đầu hoàn toàn hoang dã, trần trụi. Họ đi theo già làng, kéo nhau đi vào núi sâu, thật sâu và sống trong ấy mươi ngày, nửa tháng hái lượm để tìm cái ăn, cọ đá vào nhau mà làm ra lửa, dùng cái cây, hòn đá để ném con thú… Hoàn toàn nguyên thủy. Rồi họ lại trở về làng và tiếp tục cuộc sống trong cõi bụi trần…

Lễ hội mừng năm mới của người Ba Na ở Tây Nguyên.
Lễ hội mừng năm mới của người Ba Na ở Tây Nguyên.

Những con người ấy không hề sống ảo tưởng. Họ biết họ phải sống trong bụi lầm của cõi trần hôm nay. Chỉ có điều họ vẫn giữ, rất sâu trong máu tủy cái nhu cầu mỗi năm một lần trở về tắm gội trong ngọn nguồn tự nhiên nguyên thủy… Khi tôi đến Ngok Linh lần đầu cách đây hơn nửa thế kỷ, nghe nói tục Ninh Nông mới mất chưa lâu. Ngày nay thì nó đã mất hoàn toàn rồi, đơn giản chỉ vì có còn rừng đâu để cho người Xơ Đăng hiền minh trở về tắm gội hằng năm…

Đi ra từ rừng, phải về với rừng

Cũng may nhiều tục xưa khác vẫn còn. Trong mùa Ninh Nông, có lẽ lễ hội lớn nhất, vừa rộn rã vừa sâu thẳm trong tâm hồn người Tây Nguyên là lễ bỏ mả. Ở Tây Nguyên, một người chết chưa đi ngay khỏi thế giới này, hằng ngày vẫn được người thân chăm nom cơm nước trên một nấm mộ tạm… Cho đến khi một ngôi mộ thật đẹp, với đầy đủ mọi vật dụng cần thiết gửi theo sang thế giới bên kia, với chiêng ché bị đạp vỡ – vì ở thế giới bên kia cái gì cũng ngược với bên này, cái vỡ là lành, cái lành là vỡ, với tượng nhà mồ – mà ta biết đã tạo nên cả một nền nghệ thuật mê hồn trên vùng đất kỳ lạ này thì người ta làm lễ bỏ mả, tiễn đưa cuối cùng một con người đi khỏi cõi trần. Sau cuộc lễ long trọng và tưng bừng, ngôi mộ được bỏ hẳn, không còn ai đi lại thăm viếng, chăm nom nữa, mãi mãi. Những pho tượng nhà mồ tuyệt đẹp, đến chính Picasso hẳn cũng ganh tị, bị bỏ mặc đó cho mưa nắng và thời gian tàn phá đến mục nát. Chìm trong rừng. Tan biến vào rừng. Tan biến trở lại cùng rừng. Ngôi mộ của một con người cũng tức là một con người.

Vậy đó, có một triết lý sâu xa mà đơn giản, một triết lý về sự sống chết, hơn nữa về thực chất và ý nghĩa của con người trên cõi đời. Ở đây, con người là gì? Từ đâu đi đến cõi trần này? Từ rừng – người Tây Nguyên trả lời. Đấy là triết học Tây Nguyên. Một ngày nào đó, từ rừng xanh bất tận cả trong không gian lẫn thời gian kia, một mảnh nhỏ li ti của rừng bất tận đã được tách ra thành người, cái mảnh ấy, cái phần bé tẹo của rừng được tạm thời thể hiện thành người ấy, đi qua một đoạn ngắn trên thế gian bụi bặm. Một đoạn ngắn phù du. Rồi lại trở về rừng. Cuộc đời của con người là hữu hạn, rừng thì vô hạn. Đi ra rồi trở về. Chết là cuộc trở về. Với mẹ tự nhiên. Với rừng vĩnh cữu.

Tôi đã được dự nhiều cuộc lễ bỏ mả. Tôi ngạc nhiên lắm. Thoạt đầu, tôi chờ đợi một đám tang. Và thật bất ngờ, tôi gặp một lễ hội. Tưng bừng. Trả con người trở về với mẹ vĩnh hằng, còn gì vui hơn! …

Ông Núp là một người anh hùng của cả nước và cũng từng là quan chức. Khi ông mất, tôi có nghĩ mà không tiện hỏi ai: Ông có được bỏ mả như những người Ba Na của ông không? Hay cũng sẽ phải có một ngôi mộ long trọng, ở nghĩa trang long trọng của tỉnh?… Vừa rồi, kỷ niệm 15 ngày mất của ông, tôi lên Pleiku và được đưa đến đặt vòng hoa viếng ông đúng ở cái nghĩa trang long trọng ấy. Một ngôi mộ lớn, đẹp, bên dưới chắc có khung bê tông, bên trên tô xi măng màu. Một ngôi mộ như thế thì hẳn là không thể bỏ rồi. Thú thật, tôi buồn. Chắc người anh hùng ấy là người Ba Na đầu tiên không được bỏ, không được trả về cho mẹ rừng của ông…

May quá, hôm sau tôi về S’tơr, làng ông, bà Chơ Rơ, vợ ông và chị Giép, cháu ông, tâm sự với tôi: Mộ trên Pleiku là của nhà nước, còn dưới này gia đình và làng vẫn làm lễ bỏ mả cho ông.

Làm ra của cải để mang cho

Trên này còn một loại lễ hội khác không biết nên gọi là lớn hay nhỏ. Có điều nó đặc biệt hơn, nó liên quan đến hai cá nhân.

Đấy là lễ kết nghĩa giữa hai người đàn ông, thường ở hai làng khác nhau. Kết nghĩa anh em, kết nghĩa tử sinh. Lạ thay là với những con người của rừng núi xa lắc xa lơ, tít tắp tận cùng thế giới này, thiêng liêng nhất, trọng đại trên đời là tình bạn. Có được một người bạn qua một lễ kết nghĩa thật lớn là vinh dự cao nhất, được toàn xã hội kính trọng, tạo được uy tín lớn nhất trong xã hội, có tiếng nói trọng lượng nhất.

Thời gian tìm hiểu, thăm dò để đi đến quyết định kết nghĩa thường rất dài, qua nhiều thử thách. Nhưng không chỉ thử thách, còn một điều quan trọng: Phải tích lũy đủ của cải để nghi lễ kết nghĩa xứng đáng với tầm mức tình bạn. Thật nhiều trâu cúng thần linh trong dịp chứng giám thiêng liêng, thật nhiều chinh chiêng, càng cổ càng quý, thật nhiều ghè rượu, ghè cũng phải là ghè cổ, mua tận bên Lào, mỗi chiếc đổi giá hàng chục con trâu. Lễ vật càng giàu, càng nhiều, lễ kết nghĩa càng lớn, đôi bạn kết nghĩ càng được trọng vọng… Thường họ phải chuẩn bị suốt hàng chục năm, cũng không hiếm khi nhiều chục năm… Cho nên những người làm được lễ kết nghĩa lớn ắt phải là những người rất giàu. Tức những người làm ăn giỏi, ứng xử giỏi, quan hệ giỏi, hiểu rừng, hiểu đất, hiểu người, của cải được tích lũy lâu dài bằng trí tuệ và tài năng. Thông minh nhất, khéo léo nhất. Hiền minh nhất.

Những tỉ phú của rừng xanh. Của cải chất đống… Để làm gì? Để đem cho, để biếu nhau trong lễ kết nghĩa, hành động đẹp nhất, cao nhất, thiêng liêng nhất và đãi dân làng, nhiều làng, gần như toàn xã hội tưng bừng đến chứng kiến, chứng minh hành động đẹp nhất ấy. Toàn xã hội vinh dự có con người làm được việc đẹp nhất trong đời ấy. Toàn xã hội tự thấy mình cao lớn lên, đẹp lên. Một làng có người làm được lễ kết nghĩa lớn sẽ sáng bừng lên như một đóa hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất giữa rừng xanh.

Vậy đó, trên vùng núi non xa thẳm, nơi nhiều tác giả uyên bác vẫn thản nhiên viết rằng con người mới đi ra khỏi thời nguyên thủy chưa xa, còn rất gần tình trạng man dã, người ta sống và nghĩ về sự giàu sang như vậy đấy: Người giàu nhất là người có thể đem cho được nhiều nhất.

Thường sau lễ kết nghĩa, kẻ kết nghĩa trở nên nghèo xác xơ. Trong tác phẩm nổi tiếng Chúng tôi ăn rừng, George Condominas đã mô tả lễ kết nghĩa của một người Mnông Gar tên là Baap Can ở làng Sar Luk bên sông Krông Nô. Sau cuộc lễ kết nghĩa vĩ đại với một người anh em ở làng cạnh, ông già ấy gần như trắng tay hoàn toàn. Nhưng cũng chính từ đó ông được coi là người giàu nhất vùng. Cao quý, vĩ đại nhất trong mắt mọi người Mnông Gar trên khắp thung lũng rộng lớn của dòng sông hùng vĩ. Người dẫn dắt tinh thần của cả cộng đồng. Bởi ông là người có hành vi đẹp nhất trong đời một con người: Lao động suốt đời, thật giàu có… để đem cho.

Trên ấy, Tây Nguyên người ta từng sống như vậy. Bằng đạo lý của rừng xanh đại ngàn.

Tất nhiên khi còn rừng.

Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết. Chỉ lo sợ.

Rất lo sợ…

Theo dacsantaynguyen.vn