Cà phê arabica sẽ bị tuyệt chủng

Từ nay cho đến năm 2080, khí hậu trái đất nóng lên có thể làm biến mất hẳn giống cây cà phê arabica, hiện đang cung cấp cho 70% thị trường thế giới…

14c-2348

Theo các nhà nghiên cứu Anh tại Vườn bách thú hoàng gia Kew và các đồng nghiệp Ethiopie thuộc Diễn đàn rừng cà phê & môi trường tại Addis Abeba, các nông trường cà phê arabica, loại đang cung cấp cho 70% thị trường thế giới, đang bị khí hậu đe dọa biến mất khỏi mặt đất từ nay đến năm 2080.

Thảm kịch diễn ra trong các cánh rừng ở vùng cao thuộc tây nam Ethiopie, trong khoảng 950 – 1.200m, nơi nhiệt độ trung bình quanh năm vào khoảng 18 – 21OC. Những gốc cà phê rừng arabica nguyên thủy nhất có những gien kháng được bệnh và khô hạn, đã phát triển dưới tàn lá cây ở đây. Mặc dù có đến 52 quốc gia trồng đại trà cây cà phê arabica, tài sản di truyền gốc của nó là duy nhất có mặt trong vùng này. Thế mà, khi nhiệt độ trên 23OC hạt cà phê mất mùi vị đặc trưng, và dưới 18OC cây không còn phát triển được nữa. Khoảng cách nhiệt độ giới hạn, khiến cho loại cây cà phê này rất khó trồng. Để so sánh, cà phê robusta chiếm 30% thị phần toàn cầu, có thể mọc từ độ cao 50m và chịu đựng nhiệt độ cao rất tốt. Nhưng chúng lại không cho ra mùi hương giống như arabica.

Theo Nhóm chuyên gia quốc tế về thay đổi khí hậu (GIEC) vùng Sừng châu Phi, nơi có xứ Ethiopie, bị nhiệt độ trái đất tăng cao gây ảnh hưởng nhiều nhất, dẫn đến những trận đại hạn hán. Để tiên đoán hậu quả, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mô hình khí hậu sinh học, cho phép đo đạc hậu quả của nhiệt độ nóng lên ở cách xa 1km. Họ dự kiến ba kịch bản thay đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính gây ra vào các năm 2020, 2050 và 2080. Trong vòng bán kính này đã có loại cây cà phê arabica trồng sẵn.

Kết quả: trong kịch bản lạc quan nhất, khi khí CO2 thải ra bị giới hạn, vẫn có 30% diện tích trồng cây này biến mất. Nhưng với giả thuyết: không ai chịu giới hạn thải ra loại khí này, 90% diện tích cà phê phải chết. Nghiêm trọng hơn nữa, khi nghiên cứu 349 vùng trồng cà phê arabica trên toàn thế giới, họ cũng vẫn đi đến kết luận: sẽ chẳng còn cây nào sống sót vào năm 2080.

Nếu cả thế giới không làm gì cả để hạn chế khí thải CO2, con số 50, một tỉ tấn của năm 2010, sẽ tăng lên 58 tỉ tấn vào năm 2020. Thế nhưng, phải không vượt quá con số 44 tỉ tấn, mới có thể kiềm chế trái đất nóng lên 2OC vào cuối thế kỷ 21. Với tốc độ thải khí như hiện nay, con số sẽ là 3 – 5OC. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doha ngày 7-12-2012, các thương lượng đã có tiến bộ chút ít để giúp các nước phương nam bảo vệ rừng của mình. Nhưng những cam kết của các nước nhằm giới hạn khí thải, chỉ bắt đầu có hiệu quả từ năm 2020.

Theo Sciences et Avenir