Thu mua nông sản: Doanh nghiệp nội yếu thế

Giá cà phê đang đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước lại đang rơi vào tình cảnh khốn đốn bởi sự cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khi doanh nghiệp ngoại vượt rào

Theo lộ trình cam kết WTO, từ năm 2011, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia vào mạng lưới xuất khẩu một số nông sản như gạo, cà phê. Hiện cà phê đang vào mùa vụ thu mua, cũng là năm đầu tiên có sự tham gia của các DN ngoại. Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa có văn bản gửi sở, ngành các tỉnh trồng cà phê về việc xem xét, xử lý các DN nước ngoài đang ráo riết tổ chức mạng lưới thu mua cà phê trái với quy định. Nếu để tình trạng này kéo dài thì các DN nội sẽ vô cùng khó khăn.

thu-mua-ca-phe

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hoá xuất khẩu, hiện có khoảng 10 DN nước ngoài đang lập các đại lý thu mua trực tiếp của nông dân ở các địa bàn cà phê trọng điểm như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai. Các doanh nghiệp này tổ chức thu mua tới khoảng 60% lượng cà phê trong nước để dự trữ và tự chế biến, kiểm định và xuất khẩu. Trước đây, các DN nước ngoài chủ yếu thu mua xuất khẩu thông qua các DN Việt Nam. Hình thức thu gom trực tiếp của các doanh nghiệp ngoại nêu trên mới xuất hiện trong năm nay.

Bài học cho nhiều loại nông sản khác

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam bức xúc, các DN ngoại tham gia trực tiếp vào việc thu mua đã và đang đẩy các DN nội vào con đường “chết”. Ông Nam phân tích, hiện giá cà phê đã lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng bởi khó khăn về vốn nên phần lớn các DN nội tại Đắk Lắk mới chỉ thu mua, xuất khẩu được khoảng 30 đến 35% kế hoạch niên vụ 2010-2011. Ngược lại, các DN ngoại đã thu mua được hàng trăm nghìn tấn cà phê. Tại tỉnh này, ở các kho ngoại quan có khoảng 260.000 tấn cà phê đều thuộc các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các kho nội quan mà DN nước ngoài thuê cũng đang trữ khoảng 50.000 -100.000 tấn.

Trước tình trạng trên, Vicofa đã có kiến nghị tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương. Theo đó, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, Bộ Công Thương đã trả lời bằng văn bản khẳng định, quy định về lộ trình thực thi cam kết WTO thì quyền xuất khẩu của các DN nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu.

Có nghĩa việc tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp của các DN nước ngoài hiện nay là trái quy định. Việt Nam chỉ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển cà phê sạch theo quy định GAP, 4C, cân bằng cà phê thân thiện với môi trường.

Còn theo ông Nam, việc DN ngoại tham gia trực tiếp vào mạng lưới thu mua cà phê như hiện nay không chỉ khiến các DN nội khốn đốn mà người nông dân cũng không vui vẻ gì. Bởi, khi đã thao túng được thị trường cà phê Việt Nam, các DN nước ngoài có thể ép giá thu mua cà phê trong nước hạ, gây bất lợi cho người nông dân, khi ấy, rất khó để can thiệp.

Đây cũng được xem là bài học nhãn tiền cho các DN xuất khẩu gạo trong nước bởi cũng từ năm nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được tham gia vào mạng lưới này. Với thế mạnh về tài chính, sự ưu đãi, các DN ngoại chắc chắn sẽ vượt mặt các DN trong nước.