Buôn Ma Thuột gấp rút chuẩn bị cho Lễ hội cà phê lần thứ 4

Không chỉ là loại cây cho sản phẩm xuất khẩu lớn của tỉnh, cà phê Đăk Lăk còn góp phần quan trọng đưa cà phê Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng của cả nước có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD mỗi năm, đồng thời là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu hàng năm đứng thứ 2 thế giới, hiện sản phẩm cà phê Đăk Lăk đã xuất khẩu đến gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Được sự đồng ý của Thường trực Chính phủ, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đăk Lăk phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức định kỳ 02 năm một lần.

Theo đó, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-năm 2013 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 09 đến 12-3-2013, tại thành phố Buôn Ma Thuột với 13 nội dung ấn tượng và đặc sắc:

  • Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê 2013;
  • Lễ hội đường phố;
  • Lễ Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013;
  • Hội thảo “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”;
  • Chương trình giao lưu giọng ca vàng Đắk Lắk;
  • Hội thi pha chế cà phê – Vòng chung kết;
  • Hội thi nhà nông đua tài – Vòng chung kết;
  • Chương trình “Đêm hội vào mùa”;
  • Chương trình thi “Đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam”;
  • Lễ Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013;
  • Triển lãm thời sự – nghệ thuật về cà phê, du lịch Đắk Lắk, lịch sử đồn điền cà phê CADA và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên;
  • Chương trình hành trình du lịch cà phê;
  • Khu phố cà phê, uống cà phê miễn phí.
hoi cho trien lam - le hoi ca phe 2013
Cổng vào tham quan Hội chợ-Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2013 đã được dựng lên

Đến thời điểm này kịch bản nội dung chương trình khai mạc và bế mạc của Lễ hội đã được Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch ký hợp đồng với Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Việt Nam – Cục Biểu diễn nghệ thuật – Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tại Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê năm nay, tổng số gian hàng tham gia hội chợ triển lãm là 692 gian hàng của 209 đơn vị, doanh nghiệp thuộc 13 tỉnh, thành tham gia. Trong đó: gian hàng cà phê có 35 đơn vị tham gia với 240 gian hàng; Đăk Lăk có 46 doanh nghiệp tham gia với 262 gian hàng; doanh nghiệp nước ngoài 41 đơn vị với 138 gian hàng.

Hiện các đơn vị đang tiếp tục đăng ký và hoàn tất thủ tục tham gia gian hàng. Đối với hội thi – hội thảo về cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tổ chức hội thảo về cà phê tại lễ hội. Theo đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Cục chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo với chủ đề “Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng” (trước đây là Hội thảo: “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”), tổ chức vào ngày 10-3-2013 tại Khách sạn Sài Gòn Ban Mê.

Hội thi pha chế cà phê đã có 40 thí sinh đăng ký tham gia. Khu phố cà phê trên đường Lê Duẩn đoạn từ Phan Đình Giót đến đường Y Ngông sẽ gồm 5 quầy uống cà phê miễn phí, 5 quầy triển lãm; 20 quán cà phê được chọn phục vụ miễn phí từ ngày 9 đến 12-3.

Hội thi Nhà nông đua tài đã hoàn tất phần thi vòng loại tại 4 cụm và đã xác định được 4 đội dẫn đầu vào vòng chung kết. UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy chế xét cúp vàng chất lượng cho sản phẩm cà phê và hiện đã có 8 đơn vị nhập hồ sơ đăng ký xét duyệt, thời gian nhận hồ sơ cuối cùng là ngày 25-2…

Cũng theo Ban tổ chức thì Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này có nhiều nội dung hơn so với các Lễ hội cà phê lần trước. Lễ Khai mạc và Bế mạc có chủ đề “Hương sắc cao nguyên” hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc nhất từ trước đến nay với sự tham gia biểu diễn của nhiều đoàn ca múa nhạc nổi tiếng trong nước.

Trọng tâm của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013 là Hội thảo với chủ đề “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”. Nếu như Lễ hội cà phê năm 2011 tập trung vào chủ đề “Sản xuất – Tiêu thụ cà phê bền vững và phát triển Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột” thì hội thảo lần này tập trung vào nghiên cứu giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê.

Về hoạt động kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa, ngoài việc được thưởng thức cà phê miễn phí tại 22 quán cà phê nổi tiếng trên khắp thành phố Buôn Ma Thuột như trước đây, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 -năm 2013 còn tổ chức Khu phố cà phê (hay còn gọi là Con đường cà phê) để mở rộng không gian cho du khách thưởng thức đặc sản cà phê Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh các hoạt động chính của Lễ hội, các chương trình văn hóa, nghệ thuật cũng đa dạng và phong phú hơn như: Lễ hội đường phố, Chương trình Đêm hội vào mùa, Chương trình giao lưu giọng ca vàng Đắk Lắk, Cuộc thi “Nữ hoàng cà phê”, Hội thi pha chế cà phê, Triển lãm thời sự – nghệ thuật về cà phê, du lịch Đắk Lắk, lịch sử đồn điền cà phê CADA và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên…

Ngoài mục đích kinh tế là kích cầu, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột – cà phê Việt Nam thì các chương trình văn hóa nghệ thuật nói trên được coi như “món ăn tinh thần” cho nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như du khách đến với Lễ hội.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được định kỳ 02 năm một lần nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước; mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và các sản phẩm làm từ cà phê; nâng cao nhận thức và tôn vinh các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất cà phê, kinh doanh cà phê; giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên; góp phần tích cực vào định hướng phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam; thông qua việc tổ chức cà phê cũng là dịp để khẳng định với du khách trong và ngoài nước về mảnh đất và con người Tây Nguyên, Đăk Lăk luôn thân thiện, ổn định và bình yên.

Theo: Quân Đội Nhân Dân