Nâng cao giá trị cà phê Đắk Lắk: Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm

Đắk Lắk là một trong những địa phương sản xuất cà phê hàng đầu của cả nước với nhiều thương hiệu được biết đến trên thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, do khả năng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và chất lượng hàng hóa còn có phần hạn chế nên giá trị hạt cà phê Đắk Lắk vẫn chưa được khai thác một cách tốt nhất.

Toàn tỉnh hiện có gần 150 doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến cà phê, trong đó 2/3 là chế biến cà phê nhân với công suất thiết kế hơn 475.000 tấn/năm, 1/3 là chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, công suất thiết kế hơn 32.000 tấn/năm. Về công suất hoạt động thực tế năm 2014, chế biến cà phê nhân đạt 250.000 tấn; chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan đạt 25.500 tấn, trong đó cà phê hòa tan gần 3.000 tấn. Tuy nhiên, các DN, cơ sở chế biến chủ yếu sử dụng phương pháp chế biến khô và chế biến cải lương, nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, các hộ dân tự chế biến cà phê thường sử dụng phương pháp xát dập, phơi trên sân xi măng, bạt hoặc đất trống cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Các DN, cơ sở chế biến cà phê chủ yếu sản xuất cà phê nhân, sản phẩm cà phê bột chỉ đạt 0,6% tổng sản lượng; và chỉ có một số rất ít DN có khả năng chế biến cà phê chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng thế giới, đặc biệt là cà phê bột, cà phê hoà tan, nên giá trị của cà phê Đắk Lắk vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng rất lớn của địa phương. Về xuất khẩu, trong niên vụ 2013 – 2014 vừa qua, Đắk Lắk xuất khẩu gần 230.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch gần 480 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16% so với cả nước. Cà phê Đắk Lắk được tiêu thụ ở 60 quốc gia, trong đó một số thị trường lớn là Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Ý. Riêng đối với cà phê hòa tan, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Như vậy có thể thấy, sản phẩm cà phê xuất khẩu của Đắk Lắk chủ yếu là nhân xô. Một số DN xuất khẩu cà phê nhân tiêu biểu hiện nay được kể đến là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Anh Minh, Công ty TNHH Dakman Việt Nam…

Trong lĩnh vực đầu tư chế biến cà phê, Đắk Lắk đã thu hút được 15 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 5.400 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn gần 1.300 tỷ đồng. Trong số 11 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 4.100 đồng thì chỉ có 2 dự án có quy mô lớn là Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, công suất chế biến cà phê nhân 60.000 tấn/năm, cà phê rang xay 30.000 tấn năm, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng và Nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty cà phê An Thái, công suất 10.000 tấn/năm, vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, địa phương chỉ thu hút được 1 dự án chế biến cà phê là Tổ hợp chế biến cà phê bột của Công ty TNHH chế biến cà phê Việt Trung tại Cụm công nghiệp Tân An, diện tích 0,6 ha, vốn đăng ký 5 tỷ đồng.

images1029294_DSC02218
Sấy cà phê thủ công tại một hộ dân xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar.

Mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng công nghiệp chế biến cà phê của Đắk Lắk vẫn còn những khó khăn, hạn chế vì vốn đầu tư lớn, trong khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư còn hạn chế. Chưa kể, trong năm 2014, các chi nhánh DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh thu mua 75.000 tấn cà phê nhưng lại chuyển về công ty ở địa phương khác để xuất khẩu (giá trị xuất khẩu ước tỉnh khoảng 150 triệu USD) làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước đã có quy định tiêu chuẩn chất lượng cà phê xuất khẩu, nhưng trên thực tế, một số DN xuất khẩu cà phê vẫn chưa thực hiện nghiêm tiêu chuẩn. Sản phẩm cà phê sơ chế sau khi bán cho các công ty nước ngoài, các công ty này tuyển chọn, chế biến lại và đóng tên sản phẩm của công ty đó để bán cho các nhà rang xay hoặc trực tiếp chế biến, dẫn đến thiệt hại về giá trị kinh tế cho cà phê Đắk Lắk. Riêng thị trường trong nước lại có tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các DN sản xuất cà phê bảo đảm chất lượng và các DN, cơ sở sản xuất cà phê giả, không bảo đảm chất lượng với giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nguyên chất.

Có thể khẳng định rằng, giá trị cà phê sau chế biến lớn hơn rất nhiều lần so với cà phê nhân xô. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty cà phê An Thái cho biết, theo khảo sát, đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm cà phê qua chế biến chỉ ở mức gần 20% tổng sản lượng cà phê thu hoạch, do đó lợi ích kinh tế mà cà phê mang lại cho người nông dân, nhà chế biến, xuất khẩu vẫn còn ở mức khiêm tốn. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và khắt khe của thị trường trong nước và thế giới, DN sản xuất đồng thời 3 loại sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê sữa và cà phê bột, trong đó cà phê hòa tan được xác định là sản phẩm chiến lược bởi nhu cầu thưởng thức và làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm trên thế giới là rất lớn… Bởi vậy, việc đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm là một hướng đi tất yếu đối với DN sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn.

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, các DN cần xây dựng lộ trình phát triển vùng nguyên liệu gắn với người nông dân, tăng tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao và hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất bán sản phẩm thô. Về phía Nhà nước, cần có chính sách đồng bộ trong việc thu mua xuất khẩu cà phê từ thu mua tạm trữ tới việc xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện về tài chính, kho hàng, kinh nghiệm, không để các DN bất chấp điều kiện khả năng tài chính, cơ sở vật chất… đua nhau kinh doanh, xuất khẩu cà phê làm rối loạn thị trường. Đồng thời, chính sách thu mua tạm trữ cũng cần được xây dựng và thực hiện lâu dài đối với các DN tham gia cả về kế hoạch tín dụng và cơ chế tài chính tạm trữ để điều hòa sản lượng tiêu thụ trong năm, không để các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế chi phối thị trường.