Cà phê Việt vẫn tìm chỗ đứng ở thị trường ngoại

Là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam có tiềm năng lớn để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Nhưng các thương hiệu nội cần phải vượt qua được rào cản sản phẩm thô để có thể tiến ra biển lớn.

>> Cà phê Đà Lạt được bán trong cửa hàng Starbucks

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu cả nước đạt 792.000 tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.064 USD/tấn, tăng nhẹ 0,97%.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, nếu doanh nghiệp (DN) Việt có đủ khả năng chế biến sâu và chọn được thị trường phù hợp, biên lợi nhuận từ mặt hàng này sẽ cao hơn rất nhiều. Nhắc đến thị trường cà phê nội địa, đa phần người tiêu dùng đều biết đến các thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Vinacafé. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masso Group, đơn vị chuyên về tư vấn thương hiệu cho rằng, các doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn xuất khẩu thô với đặc điểm là không rõ thương hiệu, nguồn gốc nên chỉ mới được nhận biết rộng rãi ở thị trường nội địa.

Trong một lần trả lời phỏng vấn với Tạp chí Forbes, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Trung Nguyên đã nhận định: “Ngành cà phê chủ yếu được xuất khẩu từ các quốc gia nhiệt đới gồm cả Việt Nam, nhưng các quốc gia này chỉ kiếm được 1/20 lợi nhuận trong toàn nền công nghiệp cà phê toàn cầu. Phần lợi nhuận còn lại vẫn chảy vào túi các ông lớn như Nestlé hay Starbucks”.

Lý giải cho nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam vẫn khá “im tiếng” trên trường quốc tế, ông Thẳng cho rằng việc xuất khẩu cà phê thành phẩm với thương hiệu riêng đòi hỏi các công ty không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu, khả năng chế biến sản phẩm tốt mà quan trọng hơn là phải có đủ 3 yếu tố gồm năng lực nghiên cứu thị trường và hành vi tiêu dùng toàn cầu; xây dựng và quảng bá thương hiệu; sau cùng là marketing quốc tế. “Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, nên các doanh nghiệp cà phê Việt hiện vẫn thiếu cả 3 năng lực này”, ông Thẳng nói.

Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm cùng các Hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương dự báo sắp được “chốt”, việc hội nhập sâu rộng với quốc tế là chuyện tất yếu.

ca-phe-viet-van-tim-cho-dung-o-thi-truong-ngoai
Starbucks đã nhập khẩu cà phê Đà Lạt và bán trong các cửa hàng tại Mỹ với giá 50 USD/kg.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu doanh nghiệp cà phê Việt có thay đổi đủ nhanh để kịp thích ứng khi thị trường nội địa dự báo sẽ biến động mạnh trong 2-3 năm tới. Hiện thói quen tiêu dùng cà phê của giới trẻ đang thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước, họ nhanh chóng thích nghi với các loại thức uống/văn hóa cà phê khác nhau. Nếu có tầm nhìn dài hạn thì các DN nội địa cũng có thể sẽ thành công như ở các thị trường Thái Lan, Philippines, Malaysia… Ông Thẳng nhận định, một vài thương hiệu cũng đã thích ứng khá tốt, chẳng hạn như Phúc Long.

Cà phê chồn cũng là một trong những sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cà phê chồn không phải là một thương hiệu riêng vì các đơn vị sản xuất, đóng gói thường chỉ là các công ty nội địa đơn lẻ với sản lượng xuất khẩu khá thấp. Đó là chưa kể theo nhận định của tờ The Economist, Indonesia cũng đang triển khai xuất khẩu loại cà phê này.

Mới nhất, Hãng Starbucks đã nhập cà phê Arabica của Đà Lạt và bán tại các cửa hàng ở Mỹ với giá 50 USD/kg. Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện Starbucks tại Việt Nam từ chối bình luận về kế hoạch xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ trong thời gian tới. Trong khi đó, bà Leslie Wolford, chuyên gia cà phê cao cấp của Starbucks nói với The Economist rằng: “Chúng tôi đặc biệt hài lòng về chất lượng hạt. Cà phê Đà Lạt rất phù hợp cho espresso, cà phê ủ men…”.

Điều này một lần nữa cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các sản phẩm cà phê chất lượng cao đạt chất lượng quốc tế. “Đây rõ ràng là một tín hiệu tốt vì dù là DN nước ngoài hay nội địa thì người tiêu dùng thế giới sẽ biết đến cà phê Việt Nam trên hệ thống cửa hàng Starbucks toàn cầu. Như vậy, cà phê Việt đã được quảng bá miễn phí một cách tự nhiên”, ông Thẳng nhận định.

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây chúng ta đã đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột mà trước đây bị nhiều đối tác ngoại sử dụng một cách vô tội vạ. Nhưng điều này cũng chưa đủ để thương hiệu cà phê Việt có thể tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế một khi bài toán chế biến sâu sản phẩm cà phê vẫn chưa có lời giải triệt để.

>> Nghịch lý cà phê và hồ tiêu: Có danh tiếng, thiếu thương hiệu

 Nguồn: nguoitieudung.com.vn