Cà phê Việt Nam: làm sao giải “huyệt”?

Năm 2015 trôi mau. Đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê, đây là một năm buồn. Mới đây, nhiều bài báo đánh giá kết quả thực hiện năm 2015 của ngành cà phê là “thê thảm”. Một số người cho rằng báo chí “giật tít” nói quá; số khác lại bảo do thị trường biến động nên xuất khẩu cà phê vào thế “chẹt” suốt cả năm.

1449108558-ca-phe-viet-nam-hinh-anh

Chấp nhận lỗ vẫn không mua được hàng

Giá cà phê lao dốc không chỉ làm nông dân lao đao mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng khổ. Ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Simexco, tỉnh Daklak, cho biết các nhà xuất khẩu như “ngồi trên lửa”, cứ mỗi khi giá cà phê xuống vì không thể mua hàng, thậm chí, “chúng tôi cắt giá mua cao hơn giá xuất khẩu, chấp nhận thua lỗ để có hàng giao nhằm giữ uy tín với đối tác”, ông tâm sự.

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Nhưng với ước muốn chi phối thị trường, cho đến nay, Việt Nam chưa xuất được “chiêu” nào mới hơn chiêu “trữ hàng chờ giá tăng”.

Vừa qua, nhiều nhà xuất khẩu trong nước tỏ ra không bằng lòng vì một ước báo, được cho là từ một quan chức trong ngành cà phê, nói rằng sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 mất mùa đến 20% và chỉ còn chừng 1,1 triệu tấn! Tuy không nói thẳng ra là bà con nông dân nên trữ cà phê chờ giá tăng, nhiều người vẫn hiểu điều đó có thể trở thành một “chất xúc tác” gây khó khăn cho dòng chảy tự nhiên của cà phê thương phẩm trong những ngày tới.

Nên xót mất giá hay mất thị phần?

Với việc rủ nhau trữ lại cà phê ở trong nước với dụng ý tạo áp lực thiếu hàng, những người chủ trương việc này tin rằng giá bán cà phê xuất khẩu sẽ tăng. Nhưng kinh nghiệm từ ba năm nay, phương thức trữ hàng để chi phối giá thế giới gần như phá sản vì không những giá không tăng mà doanh nghiệp càng trữ hàng lớn càng thua lỗ nặng, thị phần xuất khẩu ngày càng mất dần.

Số liệu được cung cấp tại “Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015” diễn ra tại TPHCM hồi đầu tháng 12-2015 cho thấy Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng thị phần xuất khẩu mất 4% so với cùng kỳ trước đó, từ 22% xuống còn 18% trong niên vụ 2014-2015 đã kết thúc. Tỷ lệ 4% không hề nhỏ nếu nhìn vào con số gần 450.000 tấn tự chúng ta từ chối không bán!

Cần chọn lại đối tác mua bán

Một chuyên gia tại diễn đàn nêu trên đã lên tiếng, rằng “kinh doanh cà phê hàng hóa thương phẩm mà cứ làm giống như mua bán đặc sản!”. Đã là hàng hóa giao dịch tại thị trường tài chính phái sinh thì thường rất dễ bị thay thế, huống gì là nông sản cà phê. Đối với các nhà kinh doanh quốc tế, không có cà phê loại này thì họ mua qua loại khác, không mua được ở chỗ này thì họ mua ở chỗ khác, chỉ cần giá ở đâu rẻ hơn, dù chỉ một đồng mỗi tấn là họ sẵn sàng chọn chỗ có giá mềm hơn. Kinh doanh thương phẩm nông sản nói chung, cà phê nói riêng mà không quan tâm tới yếu tố này chắc chắn sẽ bị các đối thủ cạnh tranh giành giật thị trường, bán phỗng tay trên, thiệt hại về sau do tích trữ đã quá rõ. Điều đáng ngại nữa là với việc cung ứng bấp bênh, người tiêu thụ cuối cùng sẽ loại dần cà phê Việt Nam ra khỏi công thức chế biến của họ.

Nói một cách khiêm tốn, sản lượng cà phê Việt Nam những năm qua và cả trong thời gian tới không dưới 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, người sản xuất và kinh doanh cà phê luôn than vãn giá cả thị trường bấp bênh, mỗi năm một kiểu. Những nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân sâu xa là cần thiết, nhưng thực tế kinh doanh mặt hàng này chỉ cần trả lời câu hỏi: “Ai trả lương cho nông dân; ai là người cuối cùng trả tiền cho nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam?”. Giá trên thị trường nội địa sẽ đáp trả tùy theo người bán chọn “ai” đó.

Từ lâu nay, câu đáp ấy là “sàn kỳ hạn”! Hàng ngày, từ những người chỉ có vài tạ đến dăm bảy tấn cà phê cũng đều mỏi mắt theo dõi giá sàn kỳ hạn London hay New York. Nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ sàn kỳ hạn là nơi quyết định nhu cầu, giá cả… mà quên rằng đó chỉ là một sàn giao dịch phần lớn bị khuynh loát bởi giới đầu cơ tài chính, chỉ lấy cà phê làm tên thương phẩm. Giá cả giao dịch trên sàn thay đổi đến từ phần trăm của từng giây đồng hồ!

Ngoài việc chọn sàn kỳ hạn như là một đối tác, doanh nghiệp cà phê Việt Nam còn một lựa chọn khác là các công ty kinh doanh trung gian quốc tế. Người trả lương cho các công ty này là các hãng rang xay, tức người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng.

Vậy khi chọn sàn hay người trung gian làm đối tác thì làm sao tránh được cái bấp bênh và phí chênh lệch? Rõ ràng, sàn không quan tâm cà phê đến từ đâu, nhiều hay ít mà chỉ biết hàng đưa vào có đạt chuẩn quy định hay không, đúng lượng theo quy định của hợp đồng kỳ hạn không. Giá cả trên sàn sẽ nhảy theo luồng vốn đưa vào đẩy ra của các quỹ đầu cơ. Còn khi chọn đối tác là người trung gian thì không thể bắt họ làm không công, nâng giá mua…, vì đối với họ, cách kiếm tiền là nhờ vào “chênh lệch”, mức chênh lệch càng cao, họ càng có lời. Đó chính là thước đo của họ.

Mạnh dạn tham mưu hay ngồi chịu trận?

Thật ra, trong kinh doanh hàng hóa, đơn thân một ngành như cà phê không đủ sức để giải “huyệt” đã bị giới cạnh tranh “điểm” bấy lâu.

Kinh doanh cà phê hàng hóa rất cần tính đồng bộ. Có khi cả nền kinh tế tài chính một nước phải dồn nỗ lực cho sự thành công của ngành hàng được chọn kinh doanh với tư cách là hàng hóa thương phẩm. Rất cần có sự tham gia đều đặn và tích cực của các ngân hàng, thậm chí có nước lập ra quỹ kinh doanh hàng hóa để bảo vệ ngành hàng “bán sỉ” trên thế giới, vì đó trước sau gì cũng là uy tín, là thương hiệu quốc gia.

Khó có thể trách tại sao ngành cà phê không đến với người tiêu thụ cuối cùng, vì có nhà rang xay chỉ chấp nhận mua theo phương thức, chất lượng riêng của họ, việc thanh toán chỉ được thực hiện sau khi giao hàng từ 3-6 tháng hay dài hơn. Liên hệ với nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng muốn bán hàng vào siêu thị, cái kéo cắt đứt hy vọng của người cung ứng hàng chưa hẳn là phí huê hồng mà chính là việc thanh toán chậm. Điều này, nhiều ngân hàng của chúng ta làm chưa được.

Chỉ nói riêng về lãi suất ngân hàng, trong khi giới trung gian tại các nước hưởng lãi suất vay từ 1-2% thì doanh nghiệp của chúng ta phải trả 5-7% hay còn cao hơn thế. Nói ủng hộ cho phát triển bền vững ngành cà phê, thời nay không thể chỉ chăm chút vào công việc nông vụ. Hàng hóa nông sản làm ra không bán được có khi không phải vì lỗi chất lượng hay yếu tố tự thân của mặt hàng đó. Hàng có được đẩy ra thị trường thế giới hay không còn phụ thuộc cả một hệ thống tài chính ngân hàng, tiếp thị…

Đáng ra, đứng trước nghịch cảnh đưa đẩy do lãi suất cao, tỷ giá không cạnh tranh nổi so với các đồng nội tệ phá giá mạnh của các nước sản xuất khác như Brazil, Colombia, Indonesia…, ngành cà phê phải mạnh dạn tham mưu cho Chính phủ áp dụng một mức thưởng xuất khẩu nào đó hay hạ lãi suất xuống mức thấp nhất có thể để xoay hàng (chứ không phải để tạm trữ)… thì xuất khẩu cà phê năm 2015 đâu đành phải lỗi hẹn như bây giờ!

Thị trường đang ở đâu?

Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 1,28 triệu tấn thu được 2,57 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 24% về lượng và giảm 27,8% so với năm 2014, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê.

Giá kỳ hạn cà phê trên hai sàn kỳ hạn London dành cho robusta và New York cho arabica đang nghiêng xuống hướng thấp nhất trong năm.

Năm 2015, sàn robusta London có mức giao dịch cao nhất là 2.077 đô la Mỹ/tấn và thấp nhất là 1.475 đô la/tấn. Giá đóng cửa ngày 31-12-2015 ở mức 1.530 đô la/tấn giảm 386 đô la/tấn so với ngày giao dịch đầu năm ngoái.

Nguồn: thesaigontimes.vn