Một số giải pháp phát triển cà phê ở Việt Nam

Việt Nam với diện tích cà phê khoảng 700.000 ha, sản lượng cà phê nhân 1,6 đến 1,7 triệu tấn/năm đã và đang là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil).

Với cà phê vối (Robusta) thì Việt Nam đứng đầu toàn cầu về mọi mặt: diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức:

Trước hết là sự già cỗi của hàng trăm nghìn ha/năm (trên 20-25 tuổi). Diện tích này cần phải thay thế bằng trồng mới, hoặc chặt bỏ. Đã có hẳn một chương trình tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp – PTNT, song tiến độ quá chậm và có thể nói là không thành công. Tiếp đến là việc quy hoạch phát triển cà phê không tốt nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch liên tục.

Ngoài ra, nước tưới và phương pháp tưới truyền thống quá tốn nước, khoan quá nhiều giếng khoan và không kiểm soát tốt đã làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước gây lãng phí, không hiệu quả.

1458713956-3469-1458713638-3544-2214-t5-1
Nông dân bon Phung, xã Quảng Tân (Tuy Đức) xay xát cà phê. Ảnh: A Trư

Thu hoạch cà phê quá 50% quả xanh làm cho chất lượng cà phê nhân Việt Nam kém, đồng thời cũng làm cho đặc điểm vật hậu học của cây cà phê Việt Nam biến đổi. Nhiều nơi không có sân phơi bê tông, xi măng, gạch; không có chế biến ướt, cà phê quả thu hoạch về phơi trên mọi loại sân: đất, đường sá, vải bạt,… làm giảm chất lượng của hạt cà phê.

Việc chế biến cà phê nhân xuất khẩu thực hiện tốt nhưng chế biến sâu, tạo ra cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê capsules, các thực phẩm từ cà phê như bánh, kẹo, rượu, nước giải khát còn bỏ ngỏ. Điều này đã làm cho giá trị và kim ngạch xuất khẩu cà phê không cao, và dường như đứng yên tại chỗ với mức 3,2 đến 3,4 tỷ đô la Mỹ.

Để góp phần vào sự phát triển bền vững và ngang tầm thế giới cho cà phê Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp:

Về Chương trình tái canh cây cà phê

Việt Nam đã là cường quốc cà phê của thế giới nên phải giữ được vị trí này. Đó là nguyên tắc đầu tiên cho tái canh cây cà phê. Tức là tái canh nhưng không giảm sản lượng cà phê toàn quốc, không giảm tổng sản lượng cà phê xuất khẩu và phải bảo đảm tối thiểu kim ngạch trên 3 tỷ đô la/năm.

Tái canh phải áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp, được tích hợp từ các nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, kinh nghiệm của nông dân làm cà phê, và áp dụng công nghệ mới vào tái canh.

Trong quá trình thực hiện tái canh cây cà phê, nên điều chỉnh quy hoạch trồng cà phê Việt Nam ở mức 500.000 đến 600.000 ha ở nơi có đủ điều kiện, không nên chuyển đổi các diện tích thích hợp cho cà phê sang cây trồng khác.

Các giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê

Nhổ toàn bộ cà phê già cỗi, kém chất lượng lên để trồng lại theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra.

Ghép chồi vào gốc cây già. Đây là công nghệ tỉnh Đắk Lắk đưa vào nghiên cứu và áp dụng từ năm 2002 từ Brazil. Có thể thiết kế ghép trong 3-4 năm. Với số lượng gốc cà phê già cưa đốn để ghép chồi non từ 25-30 năm. Phương pháp này đã được nông dân chấp nhận. Lâm Đồng, Đắk Lắk thành công với phương pháp này. Cần có đánh giá và nhân rộng.

Dùng chế phẩm của Công ty Thanh Hà tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để tưới vào gốc, thân, lá, các vườn cà phê già yếu để thúc đẩy phát triển chồi non, lá mới, rễ mới. Phương pháp này đã thành công ở Đắk Hà, Kon Tum, nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tuy nhiên, cách này chỉ kéo dài tuổi thọ cà phê thêm 10-15 năm.

Vấn đề thu hoạch và chế biến cà phê nhân xuất khẩu và nguyên liệu cho chế biến sâu theo tiêu chuẩn

Cứ 100 ha cà phê phải có 1 ha sân phơi đảm bảo tiêu chuẩn. Phải mạnh dạn đầu tư chế biến ướt, tức là xây dựng các nhà máy chế biến ướt với công nghệ Brazil. Đã có một số nông trường tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai áp dụng nhưng quá ít, hiệu quả kinh tế môi trường thấp.

Về giải pháp thị trường

Trước hết phải xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu; Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này; Bộ Khoa học và Công nghệ nên phối hợp với Bộ Nông nghiệp – PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia và sau đó lựa chọn doanh nghiệp để triển khai thực hiện; Khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới.

Đồng thời, kêu gọi khuyến khích xin đầu tư FDI vào cà phê Việt Nam có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; Khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa. Song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam; Tiếp tục đổi mới và tổ chức festival cà phê Buôn Ma Thuột 2 năm/lần theo phương châm: Thiết thực, tự nguyện của người làm cà phê, tránh hình thức, hành chính hóa lễ hội; Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê vối Robusta – Đà Lạt, Điện Biên thành các trung tâm cà phê chè Arabica của Việt Nam; Nên thành lập lại Viện nghiên cứu cà phê Việt Nam trên cơ sở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Viện đã từng tồn tại mấy chục năm trước đó với tên là Viện Nghiên cứu Cà phê EakMat.

Chúng tôi cùng Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Luận đã nghiên cứu công nghệ vi sinh enzim và thiết kế thành công công nghệ chế biến ướt không thải nước, sấy khô hạt cà phê thóc ngay, luân hồi, hoàn nguyên nước khép kín, thu hồi vỏ thịt quả cà phê chín làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh cà phê. Đã thử nghiệm thành công và đang làm các thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, và trình diễn vào vụ cà phê 2015-2016, sau đó sẽ chế tạo thiết bị đồng bộ với công nghệ và phổ biến rộng rãi toàn ngành cà phê. Đây là một hướng mới bảo đảm khắc phục được các tồn tại về thu hoạch cà phê xanh, phơi trên đất, công nghệ chế biến ướt bằng công nghệ của Brazil hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Lạng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: Đắk Nông Online