Đi qua “mùa ăn năm uống tháng”

Ở Tây Nguyên, không có sự phân định rõ rệt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà chỉ có hai mùa mưa – nắng. Trong vòng đời gắn với nắng – mưa ấy, biết bao nghi thức, lễ hội đã ra đời làm nên những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Và cũng chỉ ở Tây Nguyên mới có một mùa được gọi tên “mùa ăn năm uống tháng”…

Nhiều lễ hội ở Tây Nguyên đang được Nhà nước quan tâm phục dựng
Nhiều lễ hội ở Tây Nguyên đang được Nhà nước quan tâm phục dựng

Dường như trong ký ức của Y Jang Niê ở buôn Pơng, xã Cư Dlêi M’nông, huyện Cư M’gar vẫn rộn rã tiếng chiêng, ngả nghiêng rượu cần để trong mỗi lời ông kể như nghe thấy chiêng, thấy hương rượu cần phảng phất, thấy từng nhịp chân theo những vòng xoang, thấy một mùa ấm no hạnh phúc. “Khi thóc lúa đầy rương, rượu đầy ché, cả buôn làng bắt đầu những ngày tháng mà chiêng ngân dài từ đầu làng đến cuối buôn. Đó là lễ mừng mùa, mừng cơm mới, và vui nhất là lễ pơ-thi.” Tôi hiểu “vui nhất” trong lời Y Jang kể khi nhắc đến lễ pơ – thi, một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong nghi lễ vòng đời cũng như trong hệ thống nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ở đó lửa bập bùng suốt đêm, là chiêng ngày nối ngày, rượu cần vơi lại đầy, trai gái dập dìu theo những vòng xoang. Người ta thi hát, thi uống rượu, thi đánh chiêng quanh ngôi nhà mồ, tạc tượng gỗ cho người quá cố. Người Tây Nguyên cũng có quan niệm riêng về vòng đời luân hồi, ảnh hưởng đến quan niệm về sự sống và cái chết, về máu mủ, dòng tộc, cộng đồng. Đó là con người sau khi chết phải qua lễ bỏ mả thì hồn của người chết mới về được với thế giới tổ tiên, thế giới của người chết do một vị thần cai quản gọi là Yang Jũ. Cũng sau lễ bỏ mả, linh hồn được chết đi sống lại thêm 7 lần nữa, biến thành hạt sương đọng trên lá cây. Khi một đứa trẻ sinh ra, người ta lấy một cái bát ra hứng những giọt sương ấy ở ngoài vườn hoặc trong rừng để làm lễ đặt tên. Dùng lá cây chấm giọt sương lên môi đứa bé, khi đứa bé thấy lạnh và khóc cũng là lúc tên từng người đã mất trong dòng họ của gia đình được xướng lên. Nếu đến cái tên nào mà đứa trẻ ngừng khóc thì cái tên đó thành tên của đứa bé, mang linh hồn tổ tiên của dòng tộc mình. Đó như một sự đảm bảo cho tính trường tồn và bền vững của cộng đồng huyết tộc. Vì vậy, đối với người Êđê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung, lễ bỏ mả là dịp vui mừng để hồn người chết còn quẩn quanh người sống, sớm trở thành giọt sương để đầu thai lại thành người. Cũng chính bởi tính quan trọng đó, nên trước khi làm lễ bỏ mả, người ta phải chuẩn bị khá nhiều thứ: rượu hàng trăm ché, bò cả chục con, trâu một con to, gạo nếp, gạo tẻ cả trăm gùi. Những thanh niên trai tráng đi vào rừng chặt những cây to về làm tượng nhà mồ, làm cây nêu buộc trâu hiến sinh trong lễ cúng. Trong buôn nhà ai có chiêng cũng mang ra đánh, ai biết đánh chiêng thì tham gia, bà con gần xa, buôn làng quây quần bên nhà mồ. Suốt 7 đêm, người ta đánh chiêng, nhảy múa vòng quanh nhà mồ, cứ một lần đi là 7 vòng, ngược chiều kim đồng hồ.

Diễn tấu cồng chiêng rộn ràng đêm hội
Diễn tấu cồng chiêng rộn ràng đêm hội

Các điệu hát ayray, hát kưt, tiếng kể khan hòa lẫn trong tiếng chiêng cồng thâu đêm suốt sáng, Ai nghe cứ nghe, ai uống rượu cứ uống, ai đánh chiêng cứ đánh chiêng trong bập bùng ánh lửa. Người ta uống rượu, ăn cơm cộng cảm với người đã khuất. Cũng bắt nguồn từ quan niệm tín ngưỡng này mà nhà dài của người Êđê thường làm theo phương Bắc Nam, cửa chính là hướng Nam, cửa phụ là hướng Bắc, mặt trời đi từ phương Đông sang phương Tây qua hai mái nhà. Khi tổ chức cúng, người ta ngồi đánh chiêng quay lưng về hướng Tây, mặt quay về hướng Đông. Ngay cả khi chôn người chết cũng đặt đầu quay về hướng Đông, nghĩa là quay về với sự sống, chết không mất, không phải là sự kết thúc mà là bắt đầu một sự sống mới. Tuy nhiên, một nghi lễ mà văn hóa Tây Nguyên được thể hiện đậm nét và tập trung, thấm đẫm tinh thần nhân văn, sự đoàn kết cộng đồng nhất: nghệ thuật tạc tượng, và văn hóa văn nghệ dân gian: hát kưt, ayray, giao duyên; kể chuyện cổ, sử thi; và nữa: không gian văn hóa cồng chiêng… Nhưng đến nay, những nghi lễ, những nét đẹp ấy đang dần mai một: Nhà mồ đã thưa vắng dần tượng gỗ, tiếng chiêng cũng không còn ngân dài từ đầu làng đến cuối buôn. Nó như một thực thể văn hóa không thể cưỡng được sức bào mòn trong sự biến thiên đến chóng mặt của thời gian, của vạn vật vũ trụ. Chính vì vậy, đời sống văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đó mà cũng có những đổi thay. Dù biết đó là sự đổi thay tất yếu, nhưng với những ai yêu văn hóa Tây Nguyên, làm công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa đều thấy tiếc nuối, day dứt. Những nỗ lực hôm nay trong việc phục dựng có chăng chỉ làm được phần “cốt”, bởi “Mùa ăn năm uống tháng” đang dần đi qua, xa mãi… và chỉ còn chăng trong ký ức của những người già?

Theo baodaklak.vn