Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên: Những băn khoăn, trăn trở

Có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng chỉ mới vài năm gần đây thôi, nhưng cả số lượng và chất lượng của văn hóa nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có sự đổi thay đáng mừng.

Các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tại Đại hội Hội VHNT Dak Lak nhiệm kỳ 2010-2015.
Các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tại Đại hội Hội VHNT Dak Lak nhiệm kỳ 2010-2015.

Lĩnh vực nổi trội nhất phải được nhắc đến đầu tiên – “bề nổi” của VHNT Tây Nguyên, vẫn là nghệ thuật, lĩnh vực mà chúng ta biết thanh niên các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên, vốn có năng khiếu rất đặc biệt. Trước tiên là số lượng. Gần cả trăm học sinh người các dân tộc Tây Nguyên, ở khắp cả năm tỉnh trong khu vực, được đào tạo có bài bản, tốt nghiệp Trường VHNT Quân đội, các Nhạc viện, các trường VHNT địa phương, đã làm nên không chỉ những gương mặt mới, mà còn cả sinh khí mới cho nghệ thuật trình diễn lẫn giảng dạy âm nhạc ở Tây Nguyên.

Về sáng tác, không còn tay ngang nữa, tất cả đã tốt nghiệp từ bậc cao đẳng trở lên. Sau sự mất mát rất lớn trong việc “ra đi về cõi mang lung” của các NSƯT Đinh Long Ta, nhạc sĩ Y Sơn Niê, họa sĩ Su Man… cộng với tháng năm chất chồng lên tuổi tác và sức sáng tạo của đội ngũ thế hệ tác giả thứ tư, như Y Brơm, KPă Y Lăng, Đinh Xuân La, Linh Nga Niê Kdam…thì đến nay đã có thể yên tâm ở đội ngũ kế cận. Không chỉ là ở thế hệ thứ năm như A Đuh, Y Phôn Ksor, K’Ra Zan Đích, K’Ra Zan Plin, Y San Aleo… mà về âm nhạc, chúng ta đã có thêm Thảo Nam Giang, Phi Ưng (Bana) và cả Y Ghim Kbuôr, Y Vol (Êđê), cho dẫu có hoặc chưa có dịp chứng tỏ mình trong tác phẩm, vẫn là những nhạc sĩ trẻ phối khí tốt. Sáng tác múa có Đinh Rô Bang (Ka Dong), Trần Y Kiều Diễm (Êđê) bước đầu đã có tác phẩm, tham gia các chương trình nghệ thuật lớn. Đặc biệt trong lĩnh vực ca nhạc, sẵn sàng tiếp bước Y Moan, Siu Black, Y Nghuch…, nhiều giọng hát nổi lên, làm phong phú thêm thế hệ trẻ ca hát chuyên nghiệp ở Tây Nguyên, như anh em Y Vol và Y Ga Ria, Y Zoen, H’Zi Na, Y Moan Hmok, Y Bhen (Êđê) ở Dak Lak; Đinh Xuân Đề, Y Giang Tuyn, Huang Thuyên (Banar) của Kon Tum và Gia Lai, Y Mơ Ling (M’nông) của Dak Nông, Chil Boner Trinh, Rô Zamik (K’Ho)… xuất hiện trong các cuộc liên hoan ca nhạc lớn, đều tạo được ấn tượng đối với khán giả yêu nhạc cả nước. Dẫu không chính thức tham gia vào làng nghệ thuật giải trí nhưng một Ka Long Ha Ghim (K’Ho) duy nhất cho tới thời điểm hiện nay, tốt nghiệp thạc sĩ Thanh nhạc tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, “mang chuông” đi hát tận nước Mỹ xa xôi, cũng được cộng đồng người Việt khen ngợi. Giảng dạy nghệ thuật, có thạc sĩ lý luận Y Mai và nghệ sĩ múa Măng Linh Nga (dân tộc Bana – ở Trường VHNT Gia Lai).

Tiết mục của Đoàn Dak Nông tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt II năm 2012.
Tiết mục của Đoàn Dak Nông tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt II năm 2012.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình biểu diễn lớn như các Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp năm, Festival Cồng chiêng quốc tế ở Gia Lai 2009, Tuần Văn hóa Du lịch Dak Lak, lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột 2010, Tuần văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột 2011… có sự tham gia dàn dựng và biểu diễn của các nghệ sĩ người dân tộc thiểu số, nhiều tác phẩm khí nhạc, ca khúc, múa đã được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, bế mạc Tuần lễ Văn hóa Du lịch Dak Lak năm 2009, một lần nữa các tác giả âm nhạc Tây Nguyên lại được tôn vinh trong đêm biểu diễn “Gala các giọng hát trẻ” (điều tưởng như khó có thể thực hiện được, sau chương trình Kỷ niệm 100 năm thành lập và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột tháng 11-2004). Những giọng hát nồng nàn như nắng, như gió, trong vắt như nước suối nguồn, đến từ khắp các tỉnh Tây Nguyên, đã một lần nữa chứng tỏ được thế mạnh của mình.

Lĩnh vực thứ hai đáng mừng đó là đội ngũ các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian có tri thức bậc cao: hai tiến sĩ Thu Nhung Mlô Duôn Du và Tuyết Nhung Buôn Krông (Êđê, Bih), 12 thạc sĩ văn hóa học người các dân tộc Bana, Êđê, J’rai, M’nông, Xê Đăng, Cơ Tu… do Quỹ Ford tài trợ để Viện Nghiên cứu Văn hóa đào tạo, đã và đang vững vàng trên cương vị công tác của mình khắp miền Trung và Tây Nguyên; dù ít, dù nhiều, vẫn có những đóng góp đáng quý vào công tác nghiên cứu văn hóa dân gian bản địa. Những công trình của các anh chị như: Âm nhạc Êđê (Lý Vân Linh Niê Kdam – được trao Giải thưởng Cư Yang Sin lần thứ I của tỉnh Dak Lak); Tang lễ của nguời M’nông Rlâm (Y Tuyn Bing), VHDG Xê Đăng (Nguyễn Thị Trung, Phan Văn Hoàng)… đã được xuất bản thành sách, bổ sung vào kho tư liệu của văn hóa Tây Nguyên những văn bản quý. Yêu mến và mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, chuyên ngành này có thêm những nhà sưu tầm nhiệt tình, đang ngày đêm “lăn lóc” với thực địa như nhạc sĩ K’Ra Zan Plin với Bộ Luật tục K’Ho hơn 2.000 điều, được giới thiệu lần đầu tiên năm 2008; nhạc sĩ K’Ra Zan Đích với những bản ký âm giai điệu ching và dân ca K’Ho, Lach… Những “ hạt ngọc” của văn hóa truyền thống được nâng lên từ chính những bàn tay nâu sạm màu nắng gió và đất đỏ bazan, khoe vẻ đẹp tinh khiết với bạn bè.

Nếu 10 năm trước đây, chúng ta còn băn khoăn khi đi kiếm tìm những cây bút trẻ người dân tộc thiểu số bản địa, thì hôm nay, vui mừng thông báo với bè bạn lĩnh vực thứ ba, từ công sức và sự chăm lo của các Hội VHNT địa phương, đặc biệt là của Hội VHNT các tỉnh Dak Lak, Kon Tum, sẽ có một thế hệ 9X viết văn người dân tộc thiểu số hình thành từ các lớp, các trại sáng tác văn học trẻ, tiếp bàn chân trên con đường xây dựng nền văn học Tây Nguyên của các “liền chị ” 8X như Niê Thanh Mai, H’Triem Knul, Hoàng Thanh Hương… Đầu tiên là hai gương mặt Êđê (duy nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên) tốt nghiệp lớp Đại học viết văn từ sự phối hợp của Hội Nhà văn Việt Nam và Trường ĐH VHNT Quân đội là H’Phi La Niê (văn xuôi) và H’Wê Ra Êban (thơ). Tiếp đến là những truyện ngắn hồn nhiên mà bước đầu đã có tính cách riêng của Hồng Nhật Ya Lan (M’nông)… rồi những Đinh Su Giang, Y Việt Sa (Xê Đăng – Hội viên Hội VHNT Kon Tum), H’Xíu H’Mok, H’Siêu Êban (Êđê – Hội viên Hội VHNT Dak Lak)… và sẽ còn nữa, từ những ươm gieo trên bàn tay nâng niu chăm bẵm của các lớp văn nghệ sĩ đi trước.

Rất ít ỏi nhưng vẫn có những mảng màu khác đậm chất cao nguyên không kém, đó là cây cọ trẻ của “làng” nghệ thuật tạo hình Trần Y Anh Tuấn (Êđê), Trần Hồng Lâm (Khơmer); hay trong “xóm” các ống kính hiếm hoi của nghệ thuật nhiếp ảnh: nữ nghệ sĩ Siu Kết (J’rai), Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, có ảnh được treo tại triển lãm ảnh quốc tế; đó còn là “tay máy” quay phim trẻ trung, đang rất có uy tín với đồng nghiệp ở các Đài Truyền hình phía Nam: Y Jen A Yun (Êđê)… Dẫu cho mải mê với việc kiếm sống ở Tây Nguyên hay nơi nào khác, nhưng tác phẩm của các nghệ sĩ này đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế hệ trẻ đang định hình và sẵn sàng hội nhập nhưng vẫn không đánh mất chính mình, trong các lĩnh vực hội họa, truyền hình và nhiếp ảnh được coi là rất khó bồi dưỡng và đào tạo…

Từ những gặt hái ban đầu nêu trên, xin được nêu ra đây một số điều băn khoăn trăn trở:

Đối với các Hội VHNT trên địa bàn Tây Nguyên: sao chúng ta không “chung lưng đấu cật” trong việc bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ mọi lĩnh vực, nhất là viết văn nhỉ? Hội địa phương nào cũng có kinh phí các trại sáng tác, nếu luân phiên mỗi năm một tỉnh, mở trại cho lực lượng tác giả trẻ, chọn lựa những cây bút thật sự có triển vọng (tất nhiên tỉnh nào cũng phải đóng góp kinh phí cho đơn vị đăng cai), sẽ có hiệu quả hơn không? Như thế các bạn trẻ sẽ có dịp tiếp xúc với nhiều đàn anh, đàn chị, nhiều phong cách sáng tạo khác nhau. Theo thiển ý của người viết, trách nhiệm bồi dưỡng nhân tài trẻ tại chỗ, trước hết chính là của các Hội địa phương và phải cải tiến cả lối tư duy lẫn phương thức thực thi. Thậm chí không chỉ tác giả trẻ, mà có thể trao đổi nhiều thế hệ tác giả với nhau, cũng nên làm chứ? Đối với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam: Nên phát huy hình thức lớp sáng tác khu vực cho các tác giả trẻ, như đã làm hè năm 2009 với văn học ở Tây Nguyên (do Dak Lak đăng cai). Không được thường niên thì hai năm một lần, trong cả văn học, hội họa lẫn nhiếp ảnh (chỉ trừ âm nhạc, để ươm gieo và chăm sóc, nên mời đi trại sáng tác thường niên của Hội cả những tác giả người dân tộc thiểu số chưa phải là hội viên, như trước đây đã từng có). Trước mắt, nên dành một lớp cho hội họa hoặc nhiếp ảnh trẻ. Tuy nhiên, Hội rất cần kêu gọi sự phối hợp với các Hội chuyên ngành, như các Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh… để chia sẻ kinh phí. Và nhất là dự toán sao đó, để sau khi bế mạc trại có tập sách, hoặc triển lãm ( tranh, ảnh…) nhỏ.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu nhìn lại con đường phát triển VHNT các tỉnh miền núi phía Bắc từ 1955 đến nay, thì thời gian từ 1975 tới thời điểm này, đối với các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên, vẫn còn là quá ngắn ngủi. Những thế hệ đi trước đã “làm nên lịch sử” hầu hết ở lĩnh vực nghệ thuật diễn xướng đến nay cũng đã theo thời gian mà chững lại. Thế hệ nối tiếp vừa điểm sơ qua đội ngũ, được thế đã quý lắm rồi. Sao chúng ta không tiếp tục lạc quan, bồi dưỡng và mong đợi? Tin rằng, không chỉ con người, mà còn chắc chắn sẽ có tác phẩm.

Hội VHNT các dân tộc thiểu số, với trách nhiệm nghề nghiệp, quản lý một sân chơi có thể coi là dành riêng cho VHNT dân tộc và miền núi, nên chúng ta có quyền đòi hỏi ở Trung ương Hội một phương pháp mới có sáng tạo trong lĩnh vực bồi dưỡng đội ngũ tác giả người dân tộc thiểu số không chỉ riêng ở Tây Nguyên mà còn khắp cả nước. Rất cần đến một sức bật mạnh mẽ hơn, thấu đáo và có tình hơn. Đã đến lúc nên chăng, đừng dàn trải quá vào các trại sáng tác chung, mà đến đó chỉ như một sự nghỉ ngơi cho tác giả miền núi nữa (ngoại trừ những đợt đi thực tế các miền), mà tập trung vào bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ?

Tây Nguyên, với nắng gió thừa thãi, với những huyền thoại như thực như mơ và không gian văn hóa cồng chiêng, luôn là niềm hứng khởi cho cảm xúc sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nếu biết kiên nhẫn chăm chút vun trồng, chúng ta sẽ có đội ngũ tác giả trẻ người các dân tộc bản địa, đông vui, như xứng đáng được thế!

Theo baodaklak.vn