Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2011

Dựa trên thế mạnh về cà phê của vùng đất Tây Nguyên, cùng với việc Đắk Lắk lấy cà phê làm nhân tố chủ đạo cho sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột, nên từ ngày 10-13/3/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011” tại TP. Buôn Ma Thuột.

le-hoi-ca-phe

Từ lễ hội này, cà phê chính thức trở thành hình ảnh đầu tiên đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới. Tỉnh Đắk Lắk nhân dịp này cũng sẽ chính thức đưa vào hoạt động mô hình giao dịch cà phê kỳ hạn tại Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

Trên tinh thần đó, “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011” sẽ được tổ chức với chương trình đặc sắc, tạo tiền đề tiến đến một lễ hội cà phê mang tầm quốc tế, góp phần xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu. Lễ hội có ba điểm nổi bật là tầm vóc, tính quần chúng và nhiều chương trình lần đầu tiên được thực hiện. Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, về tầm vóc, lễ hội được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận là lễ hội cấp quốc gia (sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần), cũng có nghĩa là cà phê lần đầu tiên chính thức trở thành hình ảnh đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới. Vì thế, tất cả các nội dung hoạt động của lễ hội đều được “cà phê hóa”, nhằm tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc và hương vị. Tính quần chúng của lễ hội cũng được thể hiện qua nhiều hoạt động mở, nhiều không gian sinh hoạt nghệ thuật, triển lãm, giao lưu… diễn ra ở nhiều địa điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Lễ hội cũng có nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến cà phê như hội thảo cà phê quốc tế mang chủ đề “Phát triển ngành cà phê bền vững” với sự tham dự của nhiều khách mời quốc tế ở cấp thứ trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, cà phê, chủ tịch các hiệp hội cà phê, các công ty, doanh nghiệp trồng, chế biến, sản xuất, công nghệ liên quan cây cà phê đến từ các nước Brazil, Indonesia, Colombia, Ethiopia… Hội chợ – triển lãm chuyên ngành cà phê và các sản phẩm cà phê cũng diễn ra trong khuôn khổ lễ hội với sự tham dự của 160 DN (trong đó có 18 DN nước ngoài). Hội chợ có quy mô 500 gian hàng, giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến cà phê đặc thù của từng vùng miền, từng quốc gia. Dịp này, một bảo tàng cà phê lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được khai trương tại Làng cà phê Trung Nguyên. Bảo tàng trưng bày hơn 10.000 hiện vật về cà phê trên thế giới và nhiều hiện vật bảo tàng văn hóa Tây Nguyên khác. Dự kiến lễ hội còn có sự hiện diện của vua bóng đá Pêlê với tư cách là “Đại sứ cà phê” cho đất nước trồng cà phê lớn nhất thế giới Brazil.

Đến với lễ hội, khách trong và ngoài nước còn được đưa đi tham quan các khu trồng cà phê, một số nhà máy chế biến cà phê nguyên liệu, cà phê bột, cà phê hoà tan, được uống cà phê miễn phí, được xem lễ hội đường phố với những thớt voi mang biểu tượng cà phê, được giao lưu với văn hoá cồng chiêng qua sự trình diễn của nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên và các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia trồng cà phê, được thưởng lãm phin cà phê lớn nhất Việt Nam… Đây cũng là dịp thuận tiện cho du khách khám phá thêm phong cảnh đẹp của Đắk Lắk.

Ông Y Dhăm ENuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, do đạt quy mô tầm quốc gia và thế giới nên lễ hội đang được quảng bá rộng rãi trong nước, ở các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, các sân bay, trên website www.daktip.com.vn hay www.lehoicaphe.vn và trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, đặc biệt được quảng bá tới các DN du lịch lữ hành để tổ chức các tour đưa khách du lịch đến tham quan. Lễ hội cũng được quảng bá rộng rãi ra hải ngoại thông qua Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, giới thiệu trong chương trình Lễ hội Việt Nam tại Đức (tháng 8/2010), trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Trà – cà phê châu Á (tháng 12/2010), quảng bá đến các nhà nhập khẩu, Hiệp hội Cà phê các nước sản xuất cà phê trên thế giới…

Theo ban tổ chức, sẽ có hơn 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham dự “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011”, trong đó có hơn 150 đại biểu cao cấp quôc tế và đại sứ các nước tại Việt Nam.