Nhạc cụ độc đáo ở Nam Tây Nguyên

Một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người là đàn đá. Ở Tây Nguyên, bộ đàn đá Nduliêng Krat do Giáo sư người Pháp Georges Condominas phát hiện năm 1949 được xem là “bộ đàn đá tiền sử” cổ xưa nhất của thế giới (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Con Người Paris, Pháp). Từ đó đến nay, có rất nhiều bộ đàn đá của các tộc người thiểu số Tây Nguyên (đặc biệt là Nam Tây Nguyên) và các tỉnh lân cận (Bình Thuận, Khánh Hòa…) được tìm thấy.

Nhạc cụ độc đáo ở Nam Tây Nguyên
Biểu diễn đàn đá và cồng chiêng. Ảnh: Khắc Dũng

Giáo sư Trần Văn Khê – một trong những nhà âm nhạc dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, cho biết: Bộ Goòng lú (đàn đá – đá kêu) Nduliêng Krat do Giáo sư Georges Condominas phát hiện gồm 11 thanh, được mang về Pháp trưng bày tại Bảo tàng Con Người những năm đó đã gây được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà khoa học chuyên trên các lĩnh vực âm nhạc học, dân tộc học, nhân chủng học… Nhiều nhà khoa học hàng đầu của Pháp và của nhiều quốc gia khác đã đến tận nơi để nghiên cứu và hầu hết đều có chung kết luận: Goòng lú Nduliêng Krat là bộ đàn đá tiền sử lần đầu tiên trên thế giới được tìm thấy ở Tây Nguyên của Việt Nam và đây là bộ đàn đá gắn liền với tên tuổi của nhà dân tộc học người Pháp mang dòng máu Việt – Giáo sư Georges Condominas.

Và, cứ như là sự “linh ứng” vậy, trong những năm gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh lân cận đã có khá nhiều bộ đàn đá cổ được tìm thấy như: bộ đàn đá Khánh Sơn, Bác Ái, Tuy An, Sơn Điền… Trong đó, Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) là địa bàn được tìm thấy nhiều đàn đá nhất so với các địa phương khác cho đến lúc này.

Bà Đoàn Bích Ngọ – Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng – trong một tài liệu nghiên cứu về đàn đá Nam Tây Nguyên đã viết: “Thạch cầm – đàn đá -là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Nó được xuất hiện trong thời kỳ tiền sử, cách ngày nay 3.000 đến 3.500 năm và “nó không giống bất cứ loại nhạc cụ nào mà khoa học biết”. Sản phẩm văn hóa đặc sắc này phần lớn được phát hiện trong lòng đất cổ xưa”.

Nhạc cụ độc đáo ở Nam Tây Nguyên
Bộ đàn đá Bù Đơ (3 thanh) được sưu tầm và đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: Khắc Dũng

Với bộ đàn đá Bù Đơ, ông K’Broih (thuộc dòng họ Ksiêng) – người cất giữ bộ đàn – kể lại: Cụ K’Suông, tổ tiên 6 đời của K’Broih, là người đầu tiên sở hữu bộ đàn đá 6 thanh này. Những thanh “đá kêu” ấy được cụ K’Suông tìm thấy trong lòng đất khi chọc lỗ tra hạt gieo lúa trên rẫy của nhà mình. Nghe thấy có âm thanh “lạ” phát ra từ những thanh đá này nên cụ K’Suông đã mang nó về nhà và dùng làm nhạc cụ trong các lễ hội. Sau đó, bà nội của ông K’Broih đã mượn 3 thanh trong 6 thanh đàn này về quê làm lễ ăn mừng lúa mới. Nhưng rủi thay, sau lễ, nhà của bà nội K’Broih bị cháy nên 3 thanh đàn đá vỡ nát. Cho nên, bộ đàn đá Bù Đơ hiện chỉ còn 3 thanh (được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng).

Ngoài bộ đàn đá Blao, “thương hiệu” đàn đá của Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng-còn được khẳng định bởi nhiều bộ đàn đá khác; trong đó, đáng chú ý là 2 bộ đàn đá phát hiện cùng tại huyện Di Linh là đàn đá Hòa Nam và đàn đá Liên Đầm.

Có thể nói, những thanh “đá kêu” (Goòng lú) được phát hiện từ trước đến nay ở Lâm Đồng luôn không tách rời nguồn cội lịch sử của vùng đất nằm ở phía tận cùng Nam dãy Trường Sơn. Những sưu tập đàn đá ấy không những chỉ thể hiện rõ bản sắc văn hóa tộc người của các tộc người thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên mà còn là minh chứng cho một giai đoạn bình minh lịch sử (hiện vật có niên đại cách nay từ 3.000 đến 3.500 năm) của các tộc người Nam Tây Nguyên.

Nguồn: baogialai.com.vn