Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 2015-2016 dự báo đạt kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ này tăng chủ yếu do sản lượng cao hơn dự kiến và nông dân xả bán lượng cà phê lưu kho.

xuat-khau-ca-phe
Ảnh minh họa

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam – giảm 22% xuống còn 22,1 triệu bao niên vụ 2014-2015 – do giá cà phê toàn cầu giảm mạnh – dự đoán sẽ hồi phục lên 28,7 triệu bao trong niên vụ 2015-2016, cao hơn so với 27 triệu bao dự báo của USDA đưa ra trước đó.

Sau một năm đầy khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt và giá cà phê thế giới giảm mạnh trong niên vụ 2014-2015, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự đoán sẽ hồi phục trong niên vụ 2015-2015, USDA cho biết.

Niên vụ mới sẽ chứng kiến Việt Nam – nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới – lại nổi lên là nguồn cung cấp lớn cà phê sau một vụ phần lớn Brazil lấn át.

Giá thấp

USDA cũng dự đoán tình trạng găm hàng của nông dân Việt Nam sẽ giảm mặc dù giá bán – theo số liệu của Reuters hôm thứ Ba 24/11 đạt 34.200-34.500 đồng/kg (1,52-1,53 USD) – vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Nông dân cà phê Việt Nam đã phần nào thay đổi kỳ vọng sẽ có được mức giá 40.000 đồng/kg trước khi bán hàng cho thương lái, báo cáo của USDA cho biết.

Sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 cũng được USDA dự đoán cao hơn so với các dự đoán trước đó của nhiều tổ chức khác, tăng 1,9 triệu bao lên 29,3 triệu cao – thậm chí cao hơn so với 28,6 triệu bao dự đoán của chính cơ quan này.

Hôm thứ Hai 23/11, Rabobank đã nâng dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2015-2016 thêm 1,9 triệu bao lên 28,4 triệu bao.

Các dự báo của USDA khá trái ngược với nhận định của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) khi cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 giảm 20% do tình trạng thời tiết khô hạn và tỷ lệ cây già cỗi tăng, kéo giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cảnh báo thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng xấu đến 40.000 ha cà phê trên tổng diện tích trồng cà phê 655.000 ha.

USDA cho rằng “bất chấp lượng mưa thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn cây cà phê ra hoa hồi tháng 4 tại các tỉnh Tây Nguyên, nhưng nông dân vẫn có khả năng bù đắp lượng mưa thiếu hụt bằng các hoạt động tưới tiêu hiệu quả, vừa giúp nông dân tiết kiệm nước vừa giúp cây cà phê có đủ nước tưới cần thiết.

Kể cả Rabobank hôm 23/11 cũng cho biết, tuy thời tiết “rất khô nóng” trong thời kỳ cây cà phê ra hoa, song “việc sử dụng các biện pháp tưới tiêu hiệu quả có thể giảm tác động tiêu cực đối với sản lượng”.

Nguồn: nhipcaudautu.vn