Cần phải “thay máu” cho cà phê Việt Nam

Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000-160.000 ha.

Ngày 2-12, tại TP.HCM, Bộ NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Ngân hàng Agribank tổ chức Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết theo thống kê thì đến nay cả nước đã có khoảng 650.000 ha cà phê, được trồng ở 22 tỉnh, TP bao gồm năm vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (sáu tỉnh), Nam Trung Bộ (ba tỉnh), Bắc Trung Bộ (bốn tỉnh) và trung du miền núi phía Bắc (ba tỉnh).

can-phai-thay-mau-cho-ca-phe-viet-nam
Vườn cà phê được tái canh của chị Nông Thị Động ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, Đắk Nông) sau 18 tháng đã cho thu bói

Điều đáng lo ngại là trong 650.000 ha cà phê hiện có không ít diện tích cà phê đã… lên tuổi “cụ”. Thống kê từ Cục Trồng trọt, có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000 ha 15-20 năm tuổi (chiếm 25%). Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong năm năm tới khoảng 140.000-160.000 ha. Nếu không “thay máu” thì không chỉ sản lượng cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng do năng suất giảm, chất lượng hạt cà phê giảm, tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu.

Theo Đề án tái canh năm 2014-2015, nước ta sẽ tái canh 120.000 ha cà phê. Trong đó tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha tập trung ở năm tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tái canh lại đang gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nguồn vốn lớn, rủi ro cao và tổ chức sản xuất.

Theo ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank, kinh nghiệm ở một số nước trồng cà phê như Colombia có chương trình nâng cao cạnh tranh tạo bền vững lâu dài cho cây cà phê. Ấn Độ tài trợ cho ngành cà phê một khoản ngân sách lớn, trợ cấp giá cho nông dân trồng lại.

Trong khi ở nước ta, ông Chân cho hay đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích cà phê nằm trong quy hoạch trong khi các tỉnh mới chỉ có quy hoạch chung chứ không có quy hoạch chi tiết. Do đó, ngân hàng chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay. Hơn nữa chi phí tái canh rất tốn kém, mất nguồn thu nhập 5-6 năm, vốn đầu tư trên 150 triệu đồng/ha/ba năm đầu.

Cũng theo ông Chân, hiện tại ngân hàng đã bố trí đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ tái canh cà phê. Tuy nhiên, cần sự phối hợp giữa bộ ngành, địa phương và hiệp hội, ban điều phối ngành hàng cà phê xây dựng quy trình tái canh hợp lý. Bộ và hiệp hội phải là đầu mối liên kết doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo vùng nguyên liệu ổn định, người trồng cà phê mới yên tâm sản xuất.

Nguồn: nhipcaudautu.vn