Cà phê Việt Nam – một năm đầy khó khăn

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh tại Diễn đàn triển vọng và phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, năm 2015 ngành cà phê bị tác động bởi biến đổi khí hậu khiến năng suất, chất lượng cà phê giảm. Cùng với đó, giá cà phê và lượng xuất khẩu đều giảm.

Giá giảm liên tục cả năm

Ông Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn cho biết: “Năm nay giá cà phê khác với mọi năm khi giảm liên tục từ đầu cho đến cuối năm”. Lý giải về điều này, ông Thắng nêu ra các lý do gồm: Nhu cầu nhập khẩu ở các nước như Mỹ, Nga giảm, dẫn đến giá giảm. Thêm vào đó, khoảng cách giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam so với giá giao dịch tại sàn London ngày càng tăng, trung bình 30-50 USD.

1449108558-ca-phe-viet-nam-hinh-anh
Thu hoạch cà phê ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum). I.T

Ngoài ra, giá cà phê trong nước lại cao hơn giá các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Theo thống kê, lượng thu mua giảm 7%, xuất khẩu giảm 20%, giá xuất khẩu giảm 10%.

Trước những thông tin không mấy khả quan, ông Thắng cho biết theo dự đoán, năm 2016 diện tích cà phê Việt Nam đang thu hoạch giảm khoảng 30.000ha, sản lượng tăng 26.000 tấn và giá cà phê không có biến động nhiều.

Giá trong thời gian tới sẽ không có đột biến cao nhưng niên vụ tới ngành cà phê sẽ phải đứng trước những khó khăn rất lớn. Đặc biệt là biến đổi khí hậu El Nino khiến sản lượng niên vụ này không cao, chất lượng cà phê giảm. Có thể giảm từ 15-20% sản lượng. Cùng với đó, giá tiêu cao khiến người dân đổ dồn sang trồng tiêu, dẫn đến không tăng hoặc giảm diện tích cà phê. Nếu từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu, khoa học kỹ thuật, giống mới không được cải thiện điều kiện cho người nông dân sản xuất theo quy trình không được áp dụng chắc chắn giá thành không hạ”.

Ngổn ngang nhiều vấn đề

Cà phê là 1 trong 7 loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm nay, cùng với lúa gạo, cao su thì cà phê xuất khẩu giảm. Đây là thực trạng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cần chú trọng đến những giải pháp về tái canh cây cà phê Việt Nam, phát triển thị trường và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Quốc Doanh: “Hiện nay diện tích tái canh đang tăng nhưng tốc độ chậm và rất không đồng đều. Trong khi tỉnh Lâm Đồng làm rất tốt việc này, đạt 96% kế hoạch thì các tỉnh còn lại của Tây Nguyên chỉ 4%. Kèm theo đó, vấn đề cây giống phải giải quyết nhanh, kịp thời. Đây là cơ hội để loại bỏ giống kém chất lượng. Nếu không làm tốt khâu giống cây, sẽ phải nợ nhân dân thêm vài chục năm nữa”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Đức- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ, việc xác định diện tích tái canh, lập cơ sở dữ liệu vẫn còn khó khăn. Cục chỉ mới bước đầu xác định được nguyên nhân gây chết cà phê tái canh. Trong thời gian luân canh, người trồng cà phê Việt Nam hầu như bị thất thu và đặc biệt nguồn vốn tái canh lớn, rủi ro và người dân khó tiếp cận vốn vay.

Nguồn: danviet.vn